Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

'Đừng để con em chúng ta khổ vì sự học'

'Đừng để con em chúng ta khổ vì sự học'"Sự học tập của đời người giống như cuộc chạy marathon, thế mà nhiều phụ huynh lại muốn con mình mở nước rút ngay từ bậc tiểu học. Kỳ vọng như thế là quá mạo hiểm", PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm về vụ xô đổ cổng trường Thực nghiệm.
> Những lý do phụ huynh 'cuồng' trường Thực nghiệm/ Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1- Hình ảnh phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm để mua hồ sơ cho con vào lớp 1 gợi cho thầy suy nghĩ gì?

- Sự việc là bình thường và dễ hiểu nếu phụ huynh đua nhau xin học cho con vào trường mà họ tin là có chất lượng giáo dục tốt (ở đây tôi chưa bàn đến niềm tin đó có xác thực hay không). Sự việc bất thường và khó hiểu là năm ngoái ở trường Thực nghiệm không có hiện tượng này. Chính Ban giám hiệu nhà trường cũng khá bất ngờ nên không chuẩn bị trước, do đó xảy ra sự cố.

Việc cổng trường bị xô đổ là điều rất đáng buồn đứng về mặt văn hóa. Các phụ huynh không hề xếp hàng một cách trật tự, bất chấp người đến trước, họ chen lấn để giành lợi thế cho mình, không nhường nhịn ai, không tôn trọng người già và phụ nữ... Đó là sự hành xử thiếu văn hóa, nhất là trong hoàn cảnh đang đi tìm một mẫu mực văn hóa trong giáo dục.

- Trước đây chỉ có áp lực khi thi vào đại học thì nay ngay từ lớp 1, ở nhiều nơi cả phụ huynh và học sinh đã phải chịu áp lực. Theo thầy tại sao lại như vậy?

ông cươngPGS Văn Như Cương: "Cần giảm tải chương trình bậc học phổ thông một cách mạnh dạn hơn nữa". Ảnh: Hoàng Thùy.- Áp lực vào đại học là do cung không đủ cầu, số người muốn vào đại học, cao đẳng đông hơn khả năng trường có thể tiếp nhận. Hiện nay chúng ta đã phổ cập bậc tiểu học trên toàn quốc, nghĩa là trẻ em đến tuổi đều được (và phải được) nhận vào học lớp 1. Áp lực vào lớp 1 không phải là phổ biến, nó chỉ xảy ra ở một số trường mà số học sinh xin vào học vượt quá chỉ tiêu được giao, và chỉ xảy ra ở một vài thành phố lớn.

Hà Nội không thiếu trường tiểu học, có lẽ chỉ thiếu những trường mà phụ huynh mong muốn. Ở thủ đô có khá nhiều trường tiểu học “cao giá” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Nhiều trường tiểu học tư thục học phí rất cao mà vẫn phải xếp hàng, thậm chí xếp hàng trước cả một năm. Phụ huynh kỳ vọng gửi con vào những trường như thế thì con mình sẽ vượt trội so với trẻ ở trường bình thường. Nhưng sự học tập của một đời người giống như một cuộc chạy marathon, thế mà họ lại muốn con mình mở nước rút ngay từ bậc tiểu học. Kỳ vọng như thế là quá mạo hiểm.

- Nhiều phụ huynh bất bình trước tình trạng bất minh trong tuyển sinh vào một số trường, thầy nghĩ gì về các biểu hiện tiêu cực trong tuyển sinh đầu cấp hiện nay?

- Hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh vào các cấp học (chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, xin cho, quà cáp, tiền nong...) là có thực, thậm chí có thể nói là phổ biến. Nhiều phụ huynh tuy bất bình, nhưng nếu có thể chạy được họ cũng sẵn sàng rút ví. Điều khó hiểu là phụ huynh, thầy cô, các ông bà hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục đều biết những tiêu cực đó, nhưng hình như ai cũng tặc lưỡi cho qua. Để có một nền giáo dục tiên tiến, trước tiên phải có một nền giáo dục trong sạch. Nước sạch, rau sạch, thịt sạch... là cần, nhưng một nền giáo dục sạch còn cần hơn.

- Nhiều phụ huynh cho rằng xin cho con vào trường Thực nghiệm vì không phải học thêm, ít áp lực. Thầy nghĩ sao về sự thay đổi tư duy này?

- Tôi lại được biết nhiều vị cho con mình vào trường Thực nghiệm đồng thời cho con đi học thêm vì chương trình Thực nghiệm vênh với chương trình chung ở một số điểm nào đó. Như vậy chính họ làm tăng thêm áp lực với con.

Có một nghịch lý mà chúng ta cần quan tâm giải thích: Một mặt phụ huynh kêu ca con mình phải chịu gánh nặng về học tập, không có thì giờ nghỉ ngơi, vui chơi, nhưng mặt khác chính khóa đã nặng như vậy mà họ còn lo tìm chỗ cho con học thêm ngoài trường, tức là làm cho gánh nặng càng nặng thêm. Hỏi vì sao như vậy thì họ trả lời con người ta đi học thêm cả mà con mình không học thì chỉ có trượt.

- Trường Thực nghiệm đã thí nghiệm giảng dạy hơn 30 năm nhưng chưa tổng kết, đánh giá, nhân rộng, theo thầy nguyên nhân là ở đâu?

- Đã hơn 30 năm mà trường Thực nghiệm vẫn cứ “thực nghiệm” mãi là điều khá kỳ cục. Thực nghiệm điều gì đi nữa thì cũng không thể kéo dài vô hạn mà chỉ tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu tốt thì nhân rộng, không tốt không phù hợp thì bãi bỏ và chấm dứt. Luật Giáo dục của nước ta quy định rằng toàn quốc chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa.

Chen chân xin học tại trường Thực nghiệm. Ảnh: Hoàng HàChen chân xin học tại trường Thực nghiệm. Ảnh: Hoàng Hà.Nếu trường Thực nghiệm có chương trình, sách giáo khoa, công nghệ giáo dục tốt (do kết luận của Hội đồng thẩm định cấp cao nào đó) thì cũng không thể thay thế cho chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT được. Vì sao vậy? Vì rằng người ta mới thực nghiệm bậc tiểu học mà thôi, còn bậc THCS và THPT thì chưa hề đụng chạm tới. Bởi vậy nếu toàn quốc dùng chương trình, sách giáo khoa bậc tiểu học của trường Thực nghiệm thì đối với hai bậc học tiếp theo sẽ dùng chương trình nào? Vấn đề là ở đó.

- Nếu là lãnh đạo ngành giáo dục, thầy có những cải tiến gì đối với bậc tiểu học, trung học để học sinh học thực chất, đỡ vất vả?

- Để trả lời câu hỏi này với tư cách là nhà lãnh đạo trong ngành giáo dục, tôi phải chuẩn bị ít nhất là 6 tháng, thậm chí một năm... Còn với tư cách là Hiệu trưởng của một trường học, và là người tham gia viết sách giáo khoa, tôi chỉ có một đề nghị: Hãy giảm tải chương trình bậc học phổ thông một cách mạnh dạn hơn nữa, cương quyết hơn nữa, thực chất hơn nữa... để con em chúng ta đỡ khổ vì sự học.

* Clip: Xô đổ cổng trường vào xin học cho con
* Clip: Vất vả mua hồ sơ xin học cho conHoàng Thùy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét